Quý I/2021: Xuất khẩu hải sản tăng vượt trội nhờ surimi, cá hộp, cá khô
(vasep.com.vn) Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quý I/2021, XK thủy sản của cả nước đạt 1,73 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng hải sản chiếm tỷ trọng chi phối với 42% và có mức tăng trưởng nổi trội 11% với kim ngạch 728 triệu USD, vượt qua tôm (661 triệu USD, tăng 5%) và cá tra (331 triệu USD, tăng 3%).
Đáng lưu ý là trong tổng giá hải sản xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay có 76% kim ngạch từ các sản phẩm cá biển, trong đó riêng cá ngừ chiếm 21%, các loại cá biển khác chiếm 55%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc XK chiếm 16%, cua ghẹ 4,4%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ chiếm 3,4%. Nhìn chung, trừ cua ghẹ giảm gần 4%, XK các mặt hàng hải sản chính đều tăng: cá ngừ tăng 3%, cá biển khác 14,4%, mực bạch tuộc 8%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ 26%.
Xuất khẩu surimi, cá hộp, nước mắm và hải sản khô tăng trưởng mạnh
Có một số dòng sản phẩm từ cá biển có tăng trưởng ấn tượng, đóng góp đáng kể cho XK hải sản trong quý I/2021. Trước hết phải kể đến sản phẩm surimi với 83 triệu USD, tăng 33%, chiếm 11,5% xuất khẩu hải sản (chiếm 4,8% tổng XK thủy sản). Top 4 thị trường chiếm lĩnh phần lớn XK surimi của Việt Nam gồm Hàn Quốc (27%), Thái Lan (25%), Nga (10%) và Nhật Bản (10%).
XK cá khô (trừ cá ngừ) cũng có mức tăng trưởng đột phá, tăng gần 70% đạt 48,3 triệu USD, chiếm 6,6% tổng XK hải sản. Riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ khoảng 45% cá khô XK của Việt Nam, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 13,4%. Nga, Nhật Bản, Malaysia cũng nằm trong top 5, chiếm lần lượt 12%, 8,5% và 7,4%.
Cá biển đóng hộp (trừ cá ngừ) tăng 31% đạt 20,3 triệu USD, cá biển chế biến khác tăng 22% đạt 72 triệu USD, chiếm 10% XK hải sản. XK cá ngừ đóng hộp cũng tăng 14% đạt 45 triệu USD. Top 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá hộp của Việt Nam gồm Nhật Bản (25%), Thái Lan 24%, Mỹ 24%. Đáng chú ý là nước láng giềng Campuchia đang đứng thứ 4 và chiếm trên 10% XK cá hộp của Việt Nam trong quý I.
Ngoài cá biển, trong phân khúc hàng khô, các thị trường còn gia tăng nhập khẩu mực khô, tôm biển khô từ Việt Nam. Do vậy, XK mực khô trong quý I/2021 tăng 32% đạt 28 triệu USD, chiếm 3,8% XK hải sản, XK tôm khô tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, đạt 7,4 triệu USD.
XK nước mắm và mắm nêm các loại cũng tăng cao 33% đạt 7,6 triệu USD. XK bạch tuộc đông lạnh cũng tăng 16% và chiếm 6,6% XK hải sản.
Covid tiếp tục ảnh hưởng xuất khẩu cá biển phile và mực đông lạnh
XK sản phẩm dạng phile hoặc thịt từ các loại cá biển (trừ cá ngừ) cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng XK hải sản, với trên 15%, nhưng trong 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng nhẹ 0,3% đạt trên 111 triệu USD. Đối với dòng sản phẩm này, phần lớn (khoảng 60% giá trị là từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất XK hoặc gia công XK), do vậy, hoạt động kinh doanh XK bị ảnh hưởng nhiều hơn trong quý I năm nay, khi chi phí vận chuyển gia tăng và thiếu container cho việc xuất, nhập khẩu…
Ngoài ra, một số dòng sản phẩm tiếp tục sụt giảm doanh số như cá biển tươi/đông lạnh giảm 26,5%, cá ngừ chế biến giảm 5%, cá ngừ loin/phile giảm 3%, mực đông lạnh giảm 8%, bạch tuộc chế biến giảm 22%…Đây được cho là xu hướng sụt giảm nhu cầu trong bối cảnh Covid đối với những dòng sản phẩm có giá cao.
Nguồn: vasep.com.vn